Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Kinh nghiệm lái xe đường đèo dốc (Phần 1)


10557640_851825261503703_566580757911643844_o
 
Đồng Văn, Y Tý, Thác Bản Giốc, Mộc Châu, Mù Cang Chải… là những điểm đến đầy hấp dẫn đối với các tay lái trong thời tiết cuối thu tuyệt vời này. Tuy nhiên, hành trình tới các địa danh nổi tiếng này đều có một điểm chung là phải vượt qua những cung đường đèo dốc cao và hiểm trở. Nhưng những cái tên như Thung Khe, Ô Quý Hồ, Khau Phạ, Quản Bạ, Mã Pí Lèng, đèo Giàng, đèo Gió là những cung đường đèo mà chỉ mới nghe danh thôi cũng đã đủ làm các tay lái mới e ngại. Tuy nhiên, sự đam mê du ngoạn là không có giới hạn với bất kì ai và những cung đường huyền thoại kia cũng không phải là những rào cản quá ghê gớm nếu các bạn lái xe cẩn trọng và chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm bổ ích.
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, lái xe đường đèo dốc quanh co hoàn toàn khác với việc chạy xe trên các tuyến đường cao tốc - nơi mà bạn hầu như chỉ cần cầm chắc vô lăng và chạy với tốc độ tối đa theo quy định. Đặc trưng của đường đèo phía Bắc là các khúc cua liên tục, lên dốc cao vời vợi rồi lại đổ dốc sâu hun hút. Đường hẹp, các góc cua khuất tầm nhìn khiến bạn phải luôn tập trung tối đa vào con đường trước mặt nếu không muốn tai nạn bất ngờ xảy ra. Lên dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn nhiều. Đã có không ít những tay lái vốn rất tự tin vào khả năng lái như bay trên đường bằng phải ôm hận bởi một giây chủ quan lơ đễnh. Tuy vậy, cứ đi khắc đến, đường đèo dốc là nơi mà bạn sẽ thể hiện phẩm chất lái xe điềm tĩnh và chính xác của mình. Chắc chắn rằng, trình độ ôm vô lăng của bạn sẽ “cứng” dần sau mỗi khúc cua khó.
Trong chuyên mục tư vấn của mình, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm đúc rút được từ các tài già đã có hàng chục năm lăn lộn trên các tuyến đường Tây Bắc.
Từ khâu chuẩn bị:
IMG_6414 (1)
Luôn kiểm tra xe trước khi đi xa

Một chiếc xe tốt: Là một chiếc xe đã được kiểm tra kĩ hệ thống máy móc, các hệ thống nước làm mát, dầu máy, dầu trợ lực, dầu phanh, má phanh, hệ thống điện, đèn, còi… Một chiếc xe tốt không có nghĩa là bạn phải có một chiếc xe với động cơ khủng bởi trên thực tế, có tới 95% tuyến đường núi phía Bắc đã được nâng cấp đủ đẹp cho mọi loại xe du lịch từ to tới nhỏ. Một chiếc xe có động cơ chạy “lành” là rất quan trọng bởi sẽ vô cùng khó khăn để xử lý nếu xe bạn chẳng may xảy ra sự cố giữa đường đèo. Bên cạnh đó, xe của bạn cũng sẽ cần có một hệ thống phanh hoạt động trơn tru và hiệu quả bởi chẳng ai dám tưởng tượng điều gì nếu bạn đang đổ đèo mà hệ thống phanh lại không hoạt động. Bạn nên kiểm tra, bảo dưỡng và thay ngay má phanh mới nếu thấy má phanh có dấu hiệu xuống cấp.
Bản đồ và GPS: Hầu như đa số các lái xe đều sẽ sử dụng thiết bị số di động như smartphone hay máy tính bảng để xem trước cung đường mình sẽ đi trên dịch vụ Google map. Tuy nhiên, Google map chỉ là một dịch vụ tiện ích dành cho toàn thế giới, rất chi tiết tại các đoạn đường đô thị nhưng rất sơ sài tại các cung đường xa xôi. Bên cạnh đó, dịch vụ 3G tại các tỉnh miền núi cũng khá “chập chờn”, bạn sẽ chả thể xem được gì nếu bị mất sóng 3G giữa lưng chừng núi. Lắp đặt một hệ thống bản đồ số như Vietmap trên xe là giải pháp hiệu quả nhất cho những ai không quen đường. Ngoài ra, hãy giắt vào lưng ghế một quyển bản đồ đường bộ do Cục đường bộ phát hành phòng khi các thiết bị điện tử không phát huy tác dụng.
3582827_cv
Bản đồ số GPS sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong hành trình, đặc biệt là vào thời điểm trời tối, việc xác định hướng đi bằng mắt thường gặp khó khăn

Lập kế hoạch lộ trình và tham khảo đường sá: Do điều kiện địa lý và mật độ dân cư thưa thớt, các dịch vụ dành cho khác du lịch trên các tuyến đường phía Bắc cũng rất hạn chế. Dựa trên các thông tin thu lượm được từ những người đã đi trước đó, bạn hãy tự lập cho mình một lộ trình hợp lý cân đối giữa thời gian lái xe và các điểm dừng chân dọc đường. Lưu ý rằng khác với việc lái xe trên đường bằng, khoảng thời gian lái xe đường núi sẽ phải ngắn hơn do bạn phải tốn nhiều năng lượng hơn trên đường. Tốt nhất nên dừng nghỉ sau mỗi 100km lái xe đường núi. Dừng nghỉ trước khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi để đảm bảo an toàn. Cố gắng duy trì trạng thái sức khỏe tốt nhất khi lái xe đường đèo. Trước khi khởi hành, bạn hãy tham khảo thông tin của những người vừa đi trên tuyến đường dự định của bạn về chất lượng và tình hình đường sá.



30 giờ khám phá Phnom Penh bằng xe máy

Thủ đô Campuchia chỉ cách TP HCM 230 km, xa hơn đi Mũi Né (210 km) một chút. Đường đi cũng đơn giản, thẳng từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Bạn có thể đi trong dịp Tết Dương lịch.
Phnompenh, khám phá, phượt bằng xe máy, thủ đô Campuchia
Cầu Tsubasa nối liền hai bờ sông Me Kong.
Chuẩn bị gì?
Giá khách sạn tại Phnompenh tương đối rẻ. Nếu đặt sớm, bạn có thể có phòng giường đơn giá dưới 250.000 đồng. Lần gần nhất, mình đặt trước 10 ngày tại khách sạn Zing, phòng giường dù đi một mình, hướng nhìn ra phố, giá 24 đôla (khoảng 530.000 đồng). Khách sạn màu tím dễ thương, nằm ngay góc chợ mới (Central Market), thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm.
Hành lý cũng chỉ cần nhẹ nhàng: hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng, một bộ quần áo, giáp tay chân, găng tay xe máy, áo khoác, mũ bảo hiểm tốt để bảo đảm an toàn (nếu muốn đi chơi xa nhiều lần, bạn nên đầu tư các món này), vật dụng vệ sinh cá nhân (đơn giản thôi vì đa số khách sạn đều có sẵn).
Xe cộ cần phải được kiểm tra kỹ phanh, bánh xe và nhớt máy.
Đồng tiền sử dụng ở Campuchia là đồng riel và đôla Mỹ. Du khách tiêu hoàn toàn bằng đôla Mỹ cũng được. Chuyến đi gần nhất, mình tiêu hết 70 đôla. Các quán ăn sẽ niêm yết chủ yếu là đôla, cây xăng sẽ có 2 đồng hồ, niêm yết 2 đơn vị tiền.
Mình cài một ứng dụng trên iOS là Offline map, download bản đồ Phnom Penh là thoải mái vi vu mà không cần Internet.
Hành trình
Mình chia làm hai đoạn: từ TP HCM đi Mộc Bài (Tây Ninh) dài 60 km và đoạn từ Mộc Bài đến Phnom Penh 170 km.
9h ngày đầu tiên, bạn xuất phát từ bến xe An Sương, chạy theo quốc lộ 22 về Tây Ninh. Tốc độ tối đa là 40 km một giờ. Khoảng 10h30, bạn dừng lại ăn sáng bánh canh Trảng Bàng. Tô giò nạc với ly trà đá giá 40.000 đồng, ấm bụng để chạy xe tới chiều. Chạy một đoạn nữa là đến thị trấn Gò Dầu, rẽ trái chạy qua cầu Gò Dầu để về Bến Cầu, Mộc Bài.
11h30, bạn sẽ có mặt ở cửa khẩu Mộc Bài để làm thủ tục xuất cảnh. Lúc đầu mình được biết là phải làm giấy tờ tạm nhập cho xe máy, nhưng các bác bảo vệ nói cứ để xe đó rồi vào làm thủ tục.
Qua cửa khẩu, bạn chạy tiếp 100 m là tới cửa khẩu Bavet của nước bạn. Bạn vào viết giấy nhập cảnh, nộp chung với hộ chiếu và 30.000 đồng lệ phí. Lưu ý, đi như mình, xe không được bảo vệ. Vì không có giấy tờ hợp lệ, giả sử bạn bị mất xe khi ở trên đất Campuchia sẽ không được hỗ trợ.
Ấn tượng đầu tiên sau khi qua được cửa khẩu là một vùng trời sòng bài. Từ đây trở đi, bạn thoải mái chạy, thẳng một đường là tới Phnom Penh. Hai bên chỉ có đồng ruộng. Khoảng 30-40km sẽ có một thị trấn nhỏ. Tốc độ cho phép có 3 mức là 40-60-80 km một giờ. Bạn nên lưu ý biển báo để chạy đúng.
Cách Phnom Penh 60 km, bạn sẽ chạy qua cầu dây văng Tsubasa nối liền hai bờ sông Me Kong vừa mới khánh thành tháng tư.
Phnompenh, khám phá, phượt bằng xe máy, thủ đô Campuchia
Cầu dây văng Tsubasa.
Một lưu ý là 5 km trước khi vào thủ đô Campuchia, đường đang làm nên xấu, kẹt xe cả một hàng dài. Trước khi vào thành phố Phnom Penh, bạn sẽ đi qua cầu Monivong, người Việt gọi là cầu Sài Gòn, còn người bản xứ gọi là cầu Mía.
Phnom Penh có 2 trục đường chính là đường Preah Norodom và Preah Monivong. Đường Norodom nằm ngay chân cầu quẹo về phía bên phải, đường Monivong chếch lên phía bên phải. Phnompenh được quy hoạch theo dạng lưới. Đường có tên gọi bình thường và số, cắt ngang các trục đường chính nên khó lạc. Mình tới khách sạn lúc 16h.
Ăn uống, vui chơi, mua sắm
Kế hoạch của mình là buổi chiều sẽ đi được mấy điểm nổi tiếng như chùa Bạc, cung điện Hoàng gia, Naga World, nhưng lười quá nên chỉ chạy xe loanh quanh mấy con đường và quảng trường Độc Lập rồi về khách sạn nghỉ.
Phnompenh, khám phá, phượt bằng xe máy, thủ đô Campuchia
Quảng trường Hoàng Gia ở thủ đô Phnom Penh. ảnh: Trần Việt Anh.
Chỗ mình ở rất thuận tiện, không xa trung tâm thương mại Sorya, nên buổi tối mình tản bộ xuống đó ăn tối. Campuchia cũng không có quá nhiều trung tâm thương mại như ở Việt Nam. Sorya lớn nhất cũng chỉ như cỡ Vincom hay Nowzone ở TP HCM. Hàng hóa không quá đa dạng, nói chung là tạm chấp nhận được. AEON Mall mới mở gần quảng trường Độc Lập, nhưng lúc mình tới thì hết chỗ giữ xe.
Phnom Penh có 2 quán rooftop thích hợp để chơi đêm là Le Moon Terrace Bar và Eclipse Sky bar. Le Moon nằm sát bên bờ sông, cuối tuần phải đặt chỗ trước, còn Eclipse nằm trên Phnom Penh Tower, toà nhà cao nhất thành phố. Đồ ăn uống giá khoảng 3-5 USD. Bạn có thể vừa ngắm trăng, uống bia, vừa nghe live music.
Nếu siêng, sáng hôm sau bạn có thể đi tìm vài món ăn lạ. Nhưng vì lười, mình chỉ uống cà phê ở khách sạn rồi đi chợ. Các sạp mở cửa sau 8h30. Bạn cần trả một nửa giá.
10h, mình trả phòng, bắt đầu chạy về TP HCM. 13h30 làm xong thủ tục nhập cảnh, mình lại ghé Trảng Bàng ăn bánh canh.
Những điều thú vị
Campuchia là thiên đường xe máy của Honda. 100 chiếc xe chạy trên đường, 99 chiếc là xe Dream. Tương tự, với xe ôtô là RX300 của Lexus và Hilux của Toyota.
Campuchia có 3 loại nhiên liệu chính: xăng 97 (Superior); xăng 92 (Regular) và dầu Diesel. Giá xăng dầu sẽ cao dần khi càng về gần thủ đô. Ở Svay Rieng, giá dầu là 2.200 riel thì ở Phnom Penh là 3.000 riel. Mỗi cây xăng có giá khác nhau.
Tổng hành trình là 460 km cả đi lẫn về, tiền xăng cho chiếc số của mình là 120.000 đồng. Cả chuyến đi, mình tiêu chứ tới 1,5 triệu đồng, quá rẻ cho trải nghiệm như vậy.
Nếu bạn đã nhàm chán lòng vòng Mũi Né, Đà Lạt, Nha Trang, hãy thử xuất ngoại sang Phnom Penh, sẽ rất thú vị.



Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Bí kíp dành cho các bạn trẻ thích du lịch bụi


ăng Bởi  - 
du lich, di phuot, du lich bui
Tìm hiểu về cung đường, tập quán địa phương, lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi sẽ giúp bạn khám phá được nhiều địa điểm hơn và gia tăng vốn hiểu biết của mình (Ảnh: Internet).

Xe máy là phương tiện được sử dụng nhiều trong những chuyến đi phượt trên khắp mọi miền của đất nước. Tuy nguy hiểm nhưng du lịch bụi bằng xe máy lại mang đến một cảm giác thú vị. Duyên dáng Việt Nam “mách nước” những bước đầu tiên để các bạn trẻ thích du lịch bụi có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc hành trình khám phá miền đất mới.
Bảo dưỡng xe
Phương tiện được lựa chọn nhiều và phổ biến nhất để đi du lịch bụi là xe máy bởi tính tiện dụng cao và phù hợp với nhiều địa hình. Ngoài ra, xe máy còn đem lại cảm giác trải nghiệm thật tuyệt vời từng cung đường đi qua. 
Tuy nhiên, bạn cần phải kiểm tra xe kỹ ít nhất là vài ngày trước khi khởi hành như dầu nhớt máy, lốp, bình ắc quy, đèn pha, còi, đèn xi nhan, đèn hậu, gương xe. Bộ đồ nghề sửa xe dự phòng cũng là vật dụng không thể thiếu với các bạn thích đi du lịch bụi. Đây chính là bí quyết của các phượt thủ để có thể chạy bon bon trên mọi cung đường mà không lo gặp trục trặc. Đừng quên mang theo săm xe, bugi và dụng cụ bơm hơi.
du lich, di phuot, du lich bui
Đi phượt bằng xe máy, xe mô tô mang đến một
cảm giác thú vị. 
Chuẩn bị tư trang và mũ bảo hiểm
Mũ bảo hiểm cần phải chọn loại tốt, an toàn, bảo vệ đầu bạn và tránh nắng, gió, bụi. Nên chọn những loại mũ bảo hiểm trùm cả đầu hoặc loại trùm 3/4 để tránh tổn thương nếu có va đập. Kính, khẩu trang, găng tay là những vật dụng chắc chắn phải có trong chuyến đi, không chỉ để tránh nắng, tránh bụi mà còn có tác dụng giữ ấm, bảo vệ cơ thể trong những điều kiện thời tiết không được tốt. Riêng về giày đi phượt, nên sử dụng các loại giày thể thao, mềm, nhẹ để dễ dàng di chuyển và leo trèo. 
Chuẩn bị quần áo
Tránh trường hợp quên những thứ cần thiết, bạn cần lấy giấy bút ghi gạch đầu dòng những vật dụng sẽ cần và chuẩn bị theo danh sách đó. Tốt nhất, nên chọn những trang phục và vật dụng gọn nhẹ, tiện dụng và dễ mang vác. Xếp gọn tất cả chung một ba lô. Đối với quần áo đi đường nên chọn loại dày, có khả năng chống bụi, gió cũng như ít gây xây xát nếu không may bị ngã xe. Nếu có điều kiện, hãy sắm thêm cho mình một bộ đồ bảo hộ dành riêng cho dân phượt. Tuy nhiên, nhất định đừng quên đồ dùng vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt... 
Tìm hiểu cung đường và phong tục địa phương
Tìm hiểu cung đường mình sẽ đi qua là việc cực kỳ quan trọng. Điều này vừa giúp bạn không bị lạc đường, vừa có sự chuẩn bị tốt hơn về chi phí, xăng, xe cộ và lịch trình thật chu đáo… Ở thời đại công nghệ, rất dễ để tìm hiểu đường đi như thông qua Google map. 
Việc tìm hiểu cung đường sẽ giúp bạn có nhiều thông tin bổ ích về mật độ xe, độ xa của đường, thời tiết, nhiệt độ... Hãy nhớ tìm hiểu thêm những phong tục, tập quán của người dân địa phương. “Nhập gia tùy tục” vẫn là một phương án tốt nhất cho tất cả sự chuẩn bị. Đặc biệt là khi đến với những vùng núi heo hút, những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số. 
Lên kế hoạch chi tiết
Trừ khi bạn hoàn toàn tự do về thời gian, còn không, hãy lên lịch trình thật chi tiết từng địa điểm đến, chặng đường nghỉ ngơi, nơi ăn uống. Điều này không những giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn có thể tận dụng chuyến đi để khám phá thêm về văn hóa, ẩm thực nơi bạn đến. Lên kế hoạch chi tiết còn giúp bạn chủ động hơn trong hành trình của mình, không làm loãng thời gian cho các cuộc vui.





Bay mùa Tết: Kinh nghiệm chuẩn bị hành lí kí gửi

Giá gói kí gửi mua tại sân bay cao hơn bao nhiêu, có thể kí gửi thực phẩm tươi sống hay không và thủ thuật nào tránh thất lạc hành lý khi bay mùa Tết… là những vấn đề mà người mới bay lần đầu luôn quan tâm.
Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn tận dụng tối đa dịch vụ kí gửi cua các hãng hàng không để mang chút quà bánh về quê ăn Tết.
#1. Thực phẩm tươi sống và không dễ hư hỏng nếu đóng gói đúng cách vẫn được ký gửi
Thực phẩm tươi sống như hoa quả, rau, thịt, cá… vẫn được ký gởi nếu thực phẩm không dễ hư hỏng và được đóng gói đúng theo quy định của hãng. Theo đó, các thực phẩm này phải được đóng vào những thùng xốp hoặc thùng đông lạnh được đậy kín 100% để đảm bảo không bay mùi hoặc rò rỉ chất lòng ra ngoài. Quy định này nhằm tránh việc gây mùi cho khoang hành khách của máy bay trong quá trình vận chuyển.
vietnamnet
Trái cây tươi cũng có thể vận chuyển bằng máy bay nếu được đóng gói đúng chuẩn.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm tư vấn cho nhiều khách hàng của anh Trung một booker tại VeMayBay.vn thì bất kỳ lúc nào hãng cũng có thể yêu cầu bạn mở thùng xốp hoặc thùng đông lạnh ra để kiểm tra thực phẩm bên trong.
Đây là quy định của hãng nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Do vậy bạn nên chuẩn bị sẵn “đồ nghề” (như băng keo) để gia cố lại thùng xốp/đông lạnh sau khi quá trình kiểm tra kết thúc. Bạn cũng có thể sử dụng các dịch vụ đóng gói (có trả phí) tại sân bay nếu không có đủ dụng cụ.
#2. Gói hành lý mua tại sân bay luôn đắt nhất
Cùng một gói hành lý ký gửi nhưng nếu mua tại sân bay lúc làm thủ tục hàng không, bạn sẽ phải trả mức phí cao nhất. Đây là quy định chung của cả 3 hãng nội địa và tùy từng hãng mà tỷ lệ chênh lệch sẽ có chút khác biệt.
Lấy ví dụ như VietJet Air, gói hành lý ký gửi 15kg có mức giá chuẩn là 143.000 VNĐ. Tuy nhiên cũng gói hành lý ký gửi này nhưng được mua tại sân bay thì bạn sẽ phải trả đến 330.000 VNĐ - gấp đôi mức giá ban đầu! Tương tự như vậy với Jetstar Pacific thì mức phí lần lượt là 143.000 VNĐ và 360.000VNĐ.
vietnamnet
Nếu đã có nhu cầu gởi hành lý hãy đặt mua sớm để tiết kiệm chi phí.
#3. Nếu bay Jetstar Pacific hãy mua hành lý trước khi xuất vé
Theo quy định của riêng Jetstar Pacific, giá của các gói hành lý ký gửi được chia thành 3 thời điểm với 3 mức giá hoàn toàn khác nhau. Cùng là gói hành lý 15kg nhưng nếu bạn mua:
- Trước thời điểm vé được xuất, giá bán sẽ là 143.000VNĐ
- Sau thời điểm vé được xuất, giá bán sẽ là 190.000VNĐ
- Riêng tại sân bay bạn sẽ trả mức phí đến 360.000VNĐ
Chị Vân, booker đang làm việc tại VeMayBay.vn, cho biết: “Quy định này được áp dụng cho tất cả các gói hành lý mà Jetstar Pacific cung cấp và được đăng tải công khai trên website của hãng. Dẫu vậy, rất nhiều hành khách không hiểu rõ quy định này từ đó dẫn đến việc phải trả mức phí cao hơn khi muốn mua thêm các gói hành lý ký gửi sau khi đã xuất vé.”
vietnamnet
Bảng phí dịch được Jetstar Pacific đăng tải trên website chính thức của hãng. Ảnh chụp màn hình website Jetstar Pacific.
#4. Vietnam Airlines cũng cho phép mua thêm hành lý ký gửi
Ai cũng biết khi mua vé Quốc nội của Vietnam Airlines sẽ luôn có thêm 20kg hành lý ký gửi. Tuy vậy lại rất ít người biết rằng bản thân Vietnam Airlines cũng cung cấp dịch vụ mua thêm hành lý ký gửi cho các chuyến bay do hãng khai thác.
vietnamnet
Bảng giá hành lý ký gửi của Vietnam Airlines. Ảnh chụp màn hình website Vietnam Airlines.
Theo quy định hiện tại của Vietnam Airlines, hành lý ký gửi sẽ được bán theo gói 5kg và mỗi hành khách chỉ được mua tối đa 10 gói (tương đương 50kg). Tuy nhiên bạn phải đặt mua và thanh toán các gói này 6 tiếng trước giờ khởi hành.
Anh Vũ





Những luật lệ ăn uống kỳ quặc trên thế giới


Không được ăn kẹo cao su
Nhai kẹo cao su ở các MRT (mạng lưới tàu điện ngầm) của Singapore là phạm luật. Tại đây, việc bán và ăn kẹo cao su đã bị cấm hơn 20 năm nay. Đến năm 2004, nước này nới lỏng luật và cho phép người dân sử dụng kẹo nếu bác sĩ kê đơn. Ngoài cấm kẹo cao su, hút thuốc nơi công cộng cũng bị quốc đảo sư tử phạt rất nặng.
Không ăn dưa hấu
Mùa hè nóng nực được giải nhiệt bằng miếng dưa hấu tươi mát chắc chắn rất tuyệt. Nhưng ở Rio Claro, Brazil, bạn sẽ không hề thấy loại quả này trong thực đơn vì nó bị cấm.
Không nhả kẹo cao su trên phố
Vứt rác bừa bãi là một hành động không nên biến thành thói quen. Tuy vậy, rất nhiều người lại không có ý thức, ví dụ như việc nhả kẹo cao su trên đường phố. Nếu làm thế tại Thái Lan, bạn sẽ phải chịu mức phạt 600 USD hoặc hơn. Không nộp phạt, bạn sẽ bị tống vào tù.
Ăn sai quy định bị bỏ tù
Năm 2011, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ra lệnh, du khách đi nghỉ ở đây trong khoảng thời gian diễn ra lễ ăn chay Ramadan phải thực hiện nhiều nghi thức giống người dân bản địa. Điều đó có nghĩa là họ không được ăn uống vào ban ngày. Trường hợp du khách phạm luật vì lỡ ăn, uống hay hút thuốc nơi công cộng sẽ đối mặt với một án tù.
Cẩn thận với cải Brussels
Ở Bỉ, bạn sẽ gặp một chút rắc rối nếu rời bàn ăn mà vẫn còn cải Brussels trong đĩa. Ngoài ra, việc ném cải Brussels vào khách du lịch là điều hoàn toàn hợp pháp. Do vậy, bạn hãy thận trọng và chuẩn bị tinh thần nếu gặp phải tình huống khó chịu này. Cải Brussels được xem là món ăn bổ dưỡng, ngừa một số bệnh ung thư và rất tốt cho sức khỏe cũng như thanh lọc cơ thể.
Không được cho chim ăn
Ngồi ở các ghế dài, bóp vụn bánh mì để cho chim ăn khi chúng sà xuống quanh chân là một trong những trải nghiệm thú vị ở nhiều thành phố. Tuy nhiên ở San Fransico, Mỹ, hành động cho bồ câu trên các hè phố hay quảng trường ăn là phạm pháp.
Tháng ăn chay Ramadan ở Dubai, các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Không nhập hay tự làm bia
Nhập khẩu hay tự ủ và làm bia đều là hành động bất hợp pháp ở Nigeria. Tuy nhiên, uống bia lại không hề bị cấm đoán. Bạn có thể mua và uống nếu tìm thấy bia, miễn là đủ 21 tuổi trở lên.
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những nguyên tắc ăn uống riêng biệt. Bạn nên nhập gia tùy tục để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
Trung Quốc: Nguyên tắc thứ nhất cần nhớ là đừng bao giờ chĩa đũa vào người đối diện, đó là biểu hiện của sự khiếm nhã. Nguyên tắc thứ hai là không bao giờ cắt sợi mì khi ăn. Họ quan niệm rằng, sợi mì càng dài tượng trưng cho việc sống thọ, cắt mì đồng nghĩa với chết sớm.
Hàn Quốc: Người nhỏ tuổi trong nhà không được tự ý dùng bữa nếu người lớn tuổi chưa bắt đầu ăn.
Chile: Bạn đừng bao giờ dùng tay để ăn bất kỳ món nào ngay cả khi đó là pizza.
Italia: Khi bạn từ chối lần đầu lời mời dùng bữa của một người Italia, điều đó có thể vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong lời mời thứ hai, bạn nhất định phải nhận lời nếu không muốn tình cảm rạn nứt.
Pháp: Người dân quốc gia này ăn uống rất từ tốn, thậm chí là chậm chạp. Khi dùng bữa, bạn cũng đừng vội vàng ăn quá nhanh. Họ cho rằng, những người ăn nhanh sở hữu tính cách không tốt. Bạn không nên bỏ lại thức ăn thừa, họ sẽ nghĩ rằng gia chủ nấu ăn dở.
Tanzania: Nếu được một gia đình Tanzania mời dùng tiệc tối, bạn nên đến trễ 20 phút thay vì đến sớm vì có thể khiến chủ nhà khó chịu.
Nga: Chỗ dành cho những chai rượu vodka rỗng là dưới sàn nhà, nếu đặt trên bàn là dấu hiệu của chuyện không hay sắp xảy ra. Họ cũng không dùng dao khi thưởng thức món ăn.
Ai Cập: Nếu món ăn bạn đang dùng có phần nhạt hơn so với khẩu vị quen thuộc, đừng rắc thêm muối vì đây là hành động có ý chê trách đầu bếp không nấu ăn ngon.
Kazakhstan: Trong một bữa ăn có phục vụ trà, tách của bạn thường sẽ chỉ được rót một nửa. Người Kazakhstan cho rằng nếu tách trà được châm đầy nghĩa là chủ nhà đang muốn tiễn khách…





10 bí quyết để có chuyến đi gọn nhẹ

Phượt thủ Alexandra Talty chia sẻ kinh nghiệm, trong đó bí quyết quan trọng là chuẩn bị nhiều túi ziplock, túi vải và nên sắp xếp hành lý từ sớm.
1. Đầu tư mua vali du lịch và bỏ qua hành lý ký gửi: Khi đến những nơi hẻo lánh, và đó là chuyến đi quan trọng (một chuyến công tác), bạn không thể mất một nửa hành lý, hãy mang mọi thứ nhỏ gọn, kích cỡ dành cho du lịch, chọn vali xách tay. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian ở sân bay và không quá lỉnh kỉnh với đồ đạc.
2. Nên chuẩn bị hành lý sớm: Mặc dù đi nhiều, nhưng tôi thường có thói quen đóng gói hành lý vội vã vào phút chót. Tuy nhiên, sau khi đi với một số phượt thủ có óc tổ chức rất tốt, tôi nhận ra rằng sắp xếp mọi thứ trước khi đi giúp chuyến đi dễ dàng hơn rất nhiều.
10 bí quyết để có chuyến đi gọn nhẹ
Đừng biến mình thành nô lệ cho hành lý. Ảnh: Trvltps.
3. Đừng nhồi nhét: Hãy cân nhắc và mang những đồ dùng thực sự cần thiết, đừng nhồi nhét quá nhiều, bạn sẽ trở thành nô lệ cho hành lý.
4. Chuẩn bị nhiều túi ziplock và túi vải: Những chiếc túi ziplock rất hữu dụng để đựng các đồ vệ sinh cá nhân, quần áo bẩn, thậm chí cả các loại vỏ sò bạn nhặt được trên bãi biển. Túi vải cũng là vật dụng hữu ích cho các món đồ bạn gom được trên hành trình của mình.
5. Đặt vé khi nào? Nếu bạn đi công tác đến một nơi mới lạ, hãy đặt thêm thời gian cuối tuần để có cơ hội khám phát vùng đất mới. Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn đến một thành phố mà chỉ biết đến phòng họp.
6. Những vật dụng cần thiết: Một chai nước rỗng, một chiếc khóa, bộ đồ bơi và một cuốn sách luôn là những vật dụng bạn cần cho chuyến đi.
7. Khi đi biển: Hãy mang ít phấn rôm trẻ em. Bạn sẽ cần đến cho một chuyến đi biển dài. Nếu gần bãi biển không có chỗ tắm tráng, phấn rôm trẻ em sẽ giúp bạn rũ bỏ cát trên cơ thể.
8. Xem xét mua bảo hiểm cho chuyến bay: Nếu bạn phải hủy vài chuyến bay trong một năm, lãng phí khá tiền, bạn sẽ thấy bảo hiểm đáng được đầu tư. Chi thêm khoảng 30-40 USD là hoàn toàn xứng đáng nếu bạn chưa chắc chắn về kế hoạch của mình.
9. Mua một tấm sarong hay chiếc khăn tắm nhẹ và luôn mang theo mình: Tôi mua một chiếc khăn tắm nhẹ và rất xinh ở Morocco để mang theo trên những chuyến đi. Tôi dùng nó như khăn choàng ở bãi biển, chăn đắp hoặc dùng như khăn tắm. Nó còn rất nhanh khô. Bạn còn có thể dùng để gói các loại quần áo bẩn và ướt.
10. Nếu ai đó cho đi nhờ: Tôi sẽ không khuyên bạn đi thuyền với người lạ, nhưng nếu bạn biết về họ và tin tưởng vào khả năng sông nước của họ, hãy nhận lời. Đây là một trong những cách đi du lịch rất thú vị.