Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Kinh nghiệm lái xe đường đèo dốc (Phần 1)


10557640_851825261503703_566580757911643844_o
 
Đồng Văn, Y Tý, Thác Bản Giốc, Mộc Châu, Mù Cang Chải… là những điểm đến đầy hấp dẫn đối với các tay lái trong thời tiết cuối thu tuyệt vời này. Tuy nhiên, hành trình tới các địa danh nổi tiếng này đều có một điểm chung là phải vượt qua những cung đường đèo dốc cao và hiểm trở. Nhưng những cái tên như Thung Khe, Ô Quý Hồ, Khau Phạ, Quản Bạ, Mã Pí Lèng, đèo Giàng, đèo Gió là những cung đường đèo mà chỉ mới nghe danh thôi cũng đã đủ làm các tay lái mới e ngại. Tuy nhiên, sự đam mê du ngoạn là không có giới hạn với bất kì ai và những cung đường huyền thoại kia cũng không phải là những rào cản quá ghê gớm nếu các bạn lái xe cẩn trọng và chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm bổ ích.
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, lái xe đường đèo dốc quanh co hoàn toàn khác với việc chạy xe trên các tuyến đường cao tốc - nơi mà bạn hầu như chỉ cần cầm chắc vô lăng và chạy với tốc độ tối đa theo quy định. Đặc trưng của đường đèo phía Bắc là các khúc cua liên tục, lên dốc cao vời vợi rồi lại đổ dốc sâu hun hút. Đường hẹp, các góc cua khuất tầm nhìn khiến bạn phải luôn tập trung tối đa vào con đường trước mặt nếu không muốn tai nạn bất ngờ xảy ra. Lên dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn nhiều. Đã có không ít những tay lái vốn rất tự tin vào khả năng lái như bay trên đường bằng phải ôm hận bởi một giây chủ quan lơ đễnh. Tuy vậy, cứ đi khắc đến, đường đèo dốc là nơi mà bạn sẽ thể hiện phẩm chất lái xe điềm tĩnh và chính xác của mình. Chắc chắn rằng, trình độ ôm vô lăng của bạn sẽ “cứng” dần sau mỗi khúc cua khó.
Trong chuyên mục tư vấn của mình, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm đúc rút được từ các tài già đã có hàng chục năm lăn lộn trên các tuyến đường Tây Bắc.
Từ khâu chuẩn bị:
IMG_6414 (1)
Luôn kiểm tra xe trước khi đi xa

Một chiếc xe tốt: Là một chiếc xe đã được kiểm tra kĩ hệ thống máy móc, các hệ thống nước làm mát, dầu máy, dầu trợ lực, dầu phanh, má phanh, hệ thống điện, đèn, còi… Một chiếc xe tốt không có nghĩa là bạn phải có một chiếc xe với động cơ khủng bởi trên thực tế, có tới 95% tuyến đường núi phía Bắc đã được nâng cấp đủ đẹp cho mọi loại xe du lịch từ to tới nhỏ. Một chiếc xe có động cơ chạy “lành” là rất quan trọng bởi sẽ vô cùng khó khăn để xử lý nếu xe bạn chẳng may xảy ra sự cố giữa đường đèo. Bên cạnh đó, xe của bạn cũng sẽ cần có một hệ thống phanh hoạt động trơn tru và hiệu quả bởi chẳng ai dám tưởng tượng điều gì nếu bạn đang đổ đèo mà hệ thống phanh lại không hoạt động. Bạn nên kiểm tra, bảo dưỡng và thay ngay má phanh mới nếu thấy má phanh có dấu hiệu xuống cấp.
Bản đồ và GPS: Hầu như đa số các lái xe đều sẽ sử dụng thiết bị số di động như smartphone hay máy tính bảng để xem trước cung đường mình sẽ đi trên dịch vụ Google map. Tuy nhiên, Google map chỉ là một dịch vụ tiện ích dành cho toàn thế giới, rất chi tiết tại các đoạn đường đô thị nhưng rất sơ sài tại các cung đường xa xôi. Bên cạnh đó, dịch vụ 3G tại các tỉnh miền núi cũng khá “chập chờn”, bạn sẽ chả thể xem được gì nếu bị mất sóng 3G giữa lưng chừng núi. Lắp đặt một hệ thống bản đồ số như Vietmap trên xe là giải pháp hiệu quả nhất cho những ai không quen đường. Ngoài ra, hãy giắt vào lưng ghế một quyển bản đồ đường bộ do Cục đường bộ phát hành phòng khi các thiết bị điện tử không phát huy tác dụng.
3582827_cv
Bản đồ số GPS sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong hành trình, đặc biệt là vào thời điểm trời tối, việc xác định hướng đi bằng mắt thường gặp khó khăn

Lập kế hoạch lộ trình và tham khảo đường sá: Do điều kiện địa lý và mật độ dân cư thưa thớt, các dịch vụ dành cho khác du lịch trên các tuyến đường phía Bắc cũng rất hạn chế. Dựa trên các thông tin thu lượm được từ những người đã đi trước đó, bạn hãy tự lập cho mình một lộ trình hợp lý cân đối giữa thời gian lái xe và các điểm dừng chân dọc đường. Lưu ý rằng khác với việc lái xe trên đường bằng, khoảng thời gian lái xe đường núi sẽ phải ngắn hơn do bạn phải tốn nhiều năng lượng hơn trên đường. Tốt nhất nên dừng nghỉ sau mỗi 100km lái xe đường núi. Dừng nghỉ trước khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi để đảm bảo an toàn. Cố gắng duy trì trạng thái sức khỏe tốt nhất khi lái xe đường đèo. Trước khi khởi hành, bạn hãy tham khảo thông tin của những người vừa đi trên tuyến đường dự định của bạn về chất lượng và tình hình đường sá.



1 nhận xét: